Wednesday, March 19, 2014

Suy nghĩ Triệu Phú P2

( Khởi nghiệp với Internet)
Qui tắc Thịnh vượng số 32:
Cho đến khi bạn chứng tỏ bạn có thể xử lý những gì bạn đang có, bạn sẽ không thể được nhận nhiều hơn thế!
Bạn phải có được thói quen và kỹ năng quản lý số tiền nhỏ trước khi bạn có thể có số tiền lớn. Hãy nhớ, chúng ta là những tạo hóa của thói quen, và vì thế thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền.
Qui tắc Thịnh vượng số 33:
Thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền.
Vậy chính xác bạn đang quản lý tiền của mình như thế nào? Trong các khóa đào tạo Millionaire Mind Intensive tôi dạy phương pháp quản lý tiền bạc mà nhiều người cho rằng hiệu quả và đơn giản đến kinh ngạc. Ở đây tôi sẽ trình bày với bạn một số quan điểm cơ bản để bạn có thể bắt đầu quản lý số tiền của mình. Việc đi sâu vào mọi chi tiết của vấn đề đó nằm ngoài phạm vi cuốn sách này, tuy nhiên, hãy cho phép tôi đưa ra một số điểm cơ bản để các bạn có thể bắt đầu.
Hãy mở và tách riêng một tài khoản ngân hàng gọi là tài khoản Tự do Tài chính của bạn. Bỏ vào đó 10% của mỗi đôla bạn nhận được (sau thuế). Số tiền này chỉ được sử dụng cho các vụ đầu tư, và mua hay tạo ra các dòng tiền thu nhập thụ động. Công việc của tài khoản này là xây dựng một con gà vàng đẻ ra những quả trứng vàng gọi là thu nhập thụ động. Khi nào bạn có thể chi tiêu số tiền này? Không bao giờ ! Tài khoản này không bao giờ được dùng cho chi tiêu, chỉ để đầu tư. Có thể, đến lúc bạn về hưu, bạn bắt đầu sử dụng thu nhập từ quỹ này (những quả trứng), nhưng không bao giờ được sử dụng tới số vốn gốc. Làm như vậy, nó cứ tiếp tục tăng lên và bạn sẽ không bao giờ lo sẽ rơi vào cảnh túng thiếu cả.
Có lần một học viên của tôi, Emma, kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. Cách đây hai năm, Emma tưởng chừng sắp phải tuyên bố phá sản. Cô không muốn thế, nhưng cô cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác. Cô đã nợ quá khả năng cô có thể xử lý. Rồi cô tham gia khóa học Millionaire Mind Intensive và học được về hệ thống quản lý tài chính. Emma đã nói, “Đây rồi. Đây là cách tôi sẽ ra khỏi mớ bòng bong này!”
Emma, như những người tham dự khác, được hướng dẫn phân chia tiền của mình thành nhiều tài khoản khác nhau. “Điều này thật tuyệt,” cô nghĩ thầm. “Tôi không có khoản tiền nào để chia ra!” Nhưng vì muốn thử, Emma quyết định chia 1 đôla mỗi tháng vào các tài khoản. Vâng, đúng vậy, chỉ 1 đôla mỗi tháng.
Theo hệ thống phân chia chúng tôi hướng dẫn, sử dụng một đôla đó, cô bỏ mười xu vào tài khoản Tự do Tài chính” FFA (Financial Freedom Account) của mình. Điều đầu tiền cô nghĩ thầm là: “Làm sao tôi có thể trở nên tự do về tài chính chỉ dựa vào mười xu mỗi tháng?” Thế là cô quyết tâm nâng gấp đôi đôla ấy mỗi tháng. Tháng thứ hai cô chia 2 đôla ra, tháng thứ ba là 4 đôla, rồi 8 đôla, 16 đôla, 32 đôla, 64 đôla, và số tiền đó cứ thể tăng lên đến tháng thứ mười hai là 2.048 đôla mà cô đã chia ra mỗi tháng.
Thế rồi hai năm sau, cô bắt đầu thu hoạch một số kết quả đáng ngạc nhiên từ sự nỗ lực của mình. Cô đã có thể bỏ 10.000 đôla vào tài khoản Tự do tài chính của mình! Cô còn phát triển thói quen quản lý tiền tốt đến mức, khi một ngân phiếu thưởng trị giá 10.000 đôla đến với cô thì cô không cần chi tiêu số tiền ấy cho bất cứ việc gì.
Giờ thì Emma đã không còn nợ nần và đang tiến trên đường của mình đến tự do tài chính. Tất cả là nhờ cô đã hành động áp dụng vào thực tế những điều đã học, cho dù chỉ với một đôla mỗi tháng.
Dù lúc này đây bạn đang có một gia tài lớn hay hầu như không có gì thì điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là bạn nên bắt đầu ngay lập tức việc quản lý những gì mình có, và bạn sẽ cảm thấy sốc khi thấy mình sẽ có nhiều hơn nhanh chóng làm sao.
Một học viên khác trong khóa Millionaire Mind Intensive của tôi từng nói: “Làm sao tôi có thể quản lý tiền khi tôi đang phải vay tiền để sống như hiện giờ?” Câu trả lời là: Hãy vay thêm một đôla nữa và quản lý đôla ấy. Dù bạn đang vay mượn hay chỉ kiếm ra vài đôla mỗi tháng, bạn vẫn phải quản lý số tiền ấy, bởi vì không chỉ có một nguyên tắc của thế giới “vật chất” đang hoạt động ở đây: đó còn có cả những nguyên tắc tinh thần. Những điều kỳ diệu về tiền bạc sẽ đến một khi bạn chứng tỏ với vũ trụ rằng bạn có thể xử lý nguồn tài chính mình sở hữu.
Thêm vào việc mở tài khoản Tự do Tài chính, hãy tạo ra một hũ Tự do Tài chính trong nhà bạn và cho tiền vào đó hàng ngày. Đó có thể là $10, $5, $1 một xu, hay toàn bộ xu lẻ của bạn. Số lượng không quan trọng, thói quen thì có. Bí quyết ở đây là đặt sự “chú ý hàng ngày”, thái độ và trí óc của bạn vào việc trở nên tự do tài chính. Mọi thứ thu hút những cáí giống mình, tiền bạc thu hút tiền bạc. Hãy để cho hũ tiền đơn giản đó của bạn trở thành nam châm tiền, hút nhiều tiền và cơ hội tự do tài chính đến với cuộc đời bạn.
Bây giờ, tôi chắc rằng đây không phải là lần đầu tiên bạn nghe lời khuyên để dành 10% số tiền của mình cho mục tiêu đầu tư lâu dài, nhưng có thể là lần đầu tiên bạn nghe nói rằng bạn phải có một tài khoản bằng như thế cho mục tiêu ngược lại, được dành riêng cho việc tiêu xài và vui chơi.
Một trong những bí quyết lớn nhất để quản lý đồng tiền là sự cân đối. Một mặt, bạn muốn để dành càng nhiều tiền càng tốt nhằm đầu tư và kiếm ra nhiều tiền hơn. Mặt khác, bạn cần bỏ 10% khác từ thu nhập của bạn vào một “tài khoản hưởng thụ”. Tại sao? Bởi vì con người là một thể thống nhất. Bạn không thể chỉ tác động đến một phần cuộc sống của bạn mà không tác động lên những phần khác. Một số người cứ để dành, để dành, để dành, và đến khi cái tôi đầy trách nhiệm và lý trí đã được toại nguyện thì phần “tinh thần bên trong” lại không thoả mãn. Cuối cùng, nhu cầu tìm kiếm niềm vui sẽ lên tiếng: “Tôi không chịu được nữa. Tôi cũng muốn được chú ý”, và nó bắt đầu hủy hoại các thành quả của bạn.
Ngược lại, nếu bạn chỉ biết tiêu xài, tiêu xài, tiêu xài thì không những bạn không bao giờ giàu lên được, mà phần trách nhiệm trong con người bạn rốt cuộc cũng sẽ tạo ra các tình huống làm bạn thậm chí không thể tận hưởng những thứ mà bạn chi tiền để có được, và bạn sẽ kết thúc với cảm giác mặc cảm tội lỗi. Sự mặc cảm ấy sẽ khiến bạn tiêu xài quá độ một cách vô thức như một cách thể hiện ra cảm xúc của mình. Mặc dù trước mắt bạn có thể cảm thấy dễ chịu đôi chút, nhưng rồi bạn cũng sẽ quay về với cảm giác có lỗi và xấu hổ. Đây là một vòng luẩn quẩn, và cách duy nhất để ngăn ngừa nó là bạn phải học cách quản lý tiền của mình một cách hiệu quả.
Tài khoản vui chơi của bạn chủ yếu được sử dụng để nuông chiều chính bạn, để làm những việc mà bình thường bạn không hay làm. Đó là dành cho những thứ rất đặc biệt như đi ăn uống tại nhà hàng và gọi một chai vang hay sâmpanh ngon nhất, hay thuê một chiếc du thuyền suốt một ngày, hay ở trong một khách sạn hạng sang để tận hưởng một đêm đắm chìm trong niềm vui và sự xa hoa.
Quy tắc của tài khoản vui chơi này là phải được “giải ngân” mỗi tháng. Đúng thế! Mỗi tháng bạn phải tiêu một số tiền trong tài khoản đó theo cách sẽ khiến bạn cảm thấy mình giàu có. Ví dụ, hãy hình dung bạn đi đến trung tâm mátxa, bỏ ra hết số tiền bạn có trong tài khoản đó tại quầy thu ngân, chỉ vào các nhân viên mátxa và nói, “Tôi muốn cả hai bạn phục vụ tôi. Nhớ có cả nhạc rock và dưa chuột muối nữa. Sau đó, mang cho tôi bữa trưa!” Như tôi nói, phải thật hoành tráng!
Cách duy nhất mà đa số chúng ta tiếp tục làm theo kế hoạch tiết kiệm này là nhờ sự bù đắp cho nó bằng kế hoach vui chơi, cái sẽ đền đáp lại những nỗ lực của chúng ta. Tài khoản này cũng được thiết kế để củng cố khả năng “đón nhận” của bạn. Nó còn khiến việc quản lý tiền trở nên thú vị và vui thích hơn.
Bên cạnh tài khoản Vui chơi và tài khoản Tự do tài chính, tôi khuyên bạn tạo ra và chia tiền vào 4 tài khoản nữa, đó là :
10% cho các khoản Tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu
10% cho tài khoản tự Giáo dục, học hành của bạn
55% cho tài khoản Nhu yếu phẩm của bạn
5% cho tài khoản Cho đi của bạn
Người nghèo nghĩ rằng đó tất cả chỉ phụ thuộc vào thu nhập. Họ tin bạn phải kiếm được rất nhiều tiền để trở nên giàu có. Tuy nhiên, đó là cách nghĩ quá đơn giản! Thực tế là nếu bạn quản lý tiền của mình theo như chương trình này, bạn có thể trở nên được tự do tài chính bằng khoản thu nhập tương đối thấp. Nếu bạn không biết quản lý tiền của mình, bạn không thể trở nên tự do tài chính, thậm chí với một thu nhập khổng lồ. Đấy là lý do tại sao nhiều chuyên gia thu nhập cao như các bác sĩ, luật sư, vận động viên, và thậm chí các kế toán viên – thường đều bị túng quẫn, bởi vì điều quan trọng không phải là bạn thu nhập bao nhiêu, điều quan trọng là bạn sẽ làm gì với thu nhập đó.
Một người tham dự khóa học của chúng tôi, John, nói với tôi rằng khi lần đầu nghe về hệ thống quản lý tiền này anh nghĩ “Nó đơn điệu làm sao! Tại sao bất cứ ai phải tốn thời gian quí báu của họ để làm điều đó?” Rồi sau đó trong thời gian khóa học cuối cùng anh đã nhận ra rằng nếu anh muốn một ngày nào đó được tự do tài chính, đặc biệt là muốn sớm hơn là muộn, anh cũng sẽ phải quản lý tiền bạc của mình, đơn giản là như người giàu làm.
John đã phải học thói quen mới đó bởi vì nó chắc chắn vốn không phải là tự nhiên đối với anh. Anh nói nó làm anh nhớ lại mình khi tập ba môn thể thao phối hợp. Anh thực sự rất khá trong môn bơi và xe đạp, nhưng lại ghét môn chạy. Nó làm anh đau chân, đầu gối, và lưng. Anh thường cứng đờ người sau mỗi buổi tập. Anh thường bị khó thở và phổi anh như bị cháy mỗi lần như vậy, thậm chi nếu anh không chạy nhanh! Anh từng khiếp sợ môn chạy.
Tuy nhiên, anh biết rằng nếu muốn trở thành vận động viên ba môn phối hợp hàng đầu, anh phải học chạy và chấp nhận nó như một phần việc phải làm để thành công. Không như trong quá khứ John tránh né môn chạy, bây giờ anh quyết định chạy hàng ngày. Sau vài tháng, anh bắt đầu thấy thích chạy và cuối cùng anh luôn ngóng chờ nó hàng ngày.
Điều đó cũng xảy ra chính xác như thế với John trong lĩnh vực quản lý tiền. Lúc đầu anh ghét từng phút của nó nhưng dần dần anh trở nên thích nó. Bây giờ, anh ngóng trông đến khi nhận lương và chia nó vào các tài khoản khác nhau! Anh cũng thích thú quan sát tổng tài sản của mình tăng dần từ zero lên đến trên 300,000 đôla như thế nào và nó còn tăng nữa.
Điều đó dẫn đến: hoặc là bạn kiểm soát tiền, hoặc nó sẽ kiểm soát bạn. Để kiểm soát tiền, bạn phải quản lý nó.
Tôi thích nghe các học viên kết thúc khóa học chia sẻ họ đã cảm thấy tự tin hơn như thế nào về tiền bạc, thành công và bản thân họ từ khi họ bắt đầu quản lý tiền bạc của họ một cách hiệu quả. Điều hay nhất là sự tự tin đó truyền sang các lĩnh vực khác trong cuộc sống của họ và mang lại cho họ hạnh phúc, quan hệ và thậm chí cả sức khỏe của họ.
Tiền bạc là phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, và khi bạn học được cách kiểm soát tài chính của mình, tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống sẽ được nâng cao.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi là người quản lý tiền tuyệt vời!”.Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”

Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy mở tài khoản ngân hàng Tự do Tài chính của bạn. Cho 10 phần trăm của tất cả thu nhập (sau thuế) của bạn vào tài khoản đó. Số tiền này bạn sẽ không bao giờ được chi tiêu, chỉ được đầu tư để đem lại thu nhập thụ động cho bạn về hưu.
2. Hãy lập hũ Tư do Tài chính trong nhà bạn và bỏ tiền vào đó hàng ngày. Đó có thể là $10, $5, $1, một xu, hay toàn bộ số tiền lẻ của bạn. Điều đó sẽ hướng sự chú ý hàng ngày của bạn vào tự do tài chính của bạn, và khi sự chú ý đi đến đâu, kết quả sẽ hiện ra ở đó.
3. Hãy mở tài khoản Vui chơi hay lập hũ Vui chơi trong nhà bạn rồi bỏ vào đó 10 phần trăm tất cả thu nhập của bạn. Cùng với tài khoản vui chơi và tai khoản tự do tài chính của bạn. Hãy mở thêm bốn tài khoản và gửi vào đó những số tiền theo phần trăm tổng thu nhập của bạn như sau:
10% cho các khoản Tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu
10% cho tài khoản tự Giáo dục, học hành của bạn
55% cho tài khoản Nhu yếu phẩm của bạn
5% cho tài khoản Cho đi của bạn
4. Hãy bắt đầu quản lý ngay từ bây giờ bất cứ số tiền nào bạn hiện có. Không được trì hoãn đến một ngày khác. Thậm chí nếu bạn chỉ có một đôla, hãy quản lý đôla đó. Bỏ mười xu vào tài khoản FFA, mười xu khác vào tài khoản vui vẻ.
Chỉ với một hành động này không thôi bạn sẽ gửi vào vũ trụ thông điệp rằng bạn đã sẵn sàng cho nhiều tiền hơn. Tất nhiên, nếu bạn có thể quản lý nhiều hơn, bạn sẽ có nhiều hơn.
Theo: Chìa Khóa Làm Giàu
Blog Khởi nghiệp Internet tổng hợp những kinh nghiệm được học, áp dụng và chia sẻ

No comments:

Post a Comment